Đây là bản dịch tiếng Việt từ bài viết Coronavirus and Swimming: What You Need to Know (Updated July 2020) | U.S. Masters Swimming – trên website của cơ quan quản lý bơi lội Hoa Kỳ U.S. Masters Swimming.
Nội dung của bài dịch này chủ yếu đề cập đến Virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) một cách tổng quát và sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến hoạt động bơi lội.
Bệnh viêm đường hô hấp cấp covid-19 có ảnh hưởng gì tới việc bơi lội không?
Khi tổ chức y tế thế giới WHO công bố sự bùng phát của đại dịch gây ra bởi virus Corona chủng mới vào giữa tháng 3, hoạt động bơi lội hầu như bị dừng lại. Hầu hết các hồ bơi tại Mỹ đều đã đóng cửa. Đến giờ một số đã mở cửa lại. Nhưng nhiều hồ trong số đó vẫn hoạt động cầm chừng và giới hạn số người đến hồ bơi để đảm bảo an toàn tránh lây nhiễm. Mỗi hồ có các quy định riêng dựa trên điều kiện địa phương và quy định quốc gia.
- Xem số ca nhiễm và tử vong thực tế trên thế giới tại Coronavirus (COVID-19) – Google News
- Xem riêng ở Việt Nam tại đây
Trong suốt 5 tháng qua, chúng ta đã có nhiều hiểu biết hơn về căn bệnh này và cách mà nó lây truyền qua người. Mặc dù còn nhiều vấn đề vẫn chưa được làm sáng tỏ về con virus này cũng như khả năng dẫn tới tử vong khi mắc bệnh, nhưng chúng ta có thể dự đoán được điều gì sẽ xảy đến khi bị nhiễm (dương tính với virus SARS-CoV-2) và cách làm chậm quá trình lây nhiễm.
Dưới đây là tổng hợp các khuyến cáo về sức khỏe cộng đồng và hiểu biết khoa học mà chúng ta cần biết. Những hiểu biết về con virus này và cách nó hoạt động – lây nhiễm, để chúng ta tự bảo vệ mình và góp phần giúp các hồ bơi trên toàn quốc mau chóng hoạt động lại.
Lây qua đường không khí
Virus Corona lây nhiễm thông qua các giọt bắn được hắc ra từ phổi của người bệnh. Sau khi chịu sức ép từ hơn 200 nhà khoa học trên toàn cầu, vào ngày 10/7/2020, WHO chính thức công nhận rằng Virus Corona có thể phát tán qua đường không khí (airborne) dựa trên các bằng chứng vững chắc.
Đây là một điều chỉnh quan trọng so với các tuyên bố trước đây về bản chất của virus. Điều chỉnh này cho thấy virus lây truyền từ người qua người qua không khí thông qua các giọt bắn. Giữ khoảng cách an toàn và đeo khẩu trang nơi công cộng trở thành yếu tố then chốt để giảm tỷ lệ lây lan của dịch bệnh.
Cũng theo thông tin mới cập nhật bên trên, việc tăng cường đối lưu gió trong không gian kín trong nhà giúp làm xua tan các đám không khí có chứa virus. Nếu hệ thống thông gió hoạt động kém hiệu quả, các đám không khí này sẽ tích tụ trong không gian kín này.
Một số hồ bơi trong nhà đặt thêm các quạt lớn, mở cửa ra vào và cửa sổ, nâng cấp hệ thống điều hòa không khí HVAC để tăng cường đối lưu luồng không khí. Việc này giúp phân tán các hạt nước nhỏ chứa virus trong không khí, đồng thời giảm nồng độ Cloramin trong khu vực hồ bơi – nguyên nhân chính gây ra các kích ứng phổi và mắt.
Lây nhiễm qua tiếp xúc bề mặt
Các nghiên cứu được tiến hành vào giai đoạn đầu của đại dịch đã phát hiện ra rằng vi rút có thể tồn tại trên các bề mặt cứng như nhựa và thép tối đa ba ngày. Ngay từ đầu, người ta tin rằng đây là con đường lây truyền chính của bệnh dịch. Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho răng nguy cơ lây nhiễm qua tiếp xúc bề mặt chỉ là đường lây nhiễm thứ yếu. Vào ngày 20/05/2020, CDC (Mỹ) đã ban hành hướng dẫn sửa đổi lưu ý rằng mặc dù Virus có thể lây nhiễm qua tiếp xúc bề mặt, đây không phải là phương thức lây truyền chính.
Tuy vậy, nhân viên làm việc tại các khu vực công cộng, như hồ bơi hay phòng tập gym, vẫn lau sạch các bề mặt tiếp xúc chung khi khách rời đi. Những nỗ lực này giúp làm giảm sự lây nhiễm virus qua tiếp xúc bề mặt tới mức tối thiểu. Để đảm bảo an toàn, các bề mặt dùng chung nên được lau dọn thường xuyên bằng các các chất tẩy rửa mạnh. Đồng thời, bạn nên rửa sạch tay trước dùng tay chạm vào mặt, mũi, miệng và mắt.
Trường hợp lây nhiễm không triệu chứng
Trong nhiều tháng qua, nhiều trường hợp những người bị nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng vẫn có thể lây nhiễm virus cho người khác. Chúng ta vẫn đang nghiên cứu thêm về mối hiểm họa từ các trường hợp lây nhiễm nhưng không có triệu chứng. Tuy vậy đây cũng là một lý do để chúng ta phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng ngay cả khi không có ai có triệu chứng nhiễm bệnh.
Clo trong hồ bơi giúp tiêu diệt virus
Báo cáo của CDC (Mỹ) vào ngày 10/03/2020 rằng “chưa có bằng chứng có thấy COVID-19 lây từ người qua người thông qua hồ bơi hoặc bồn tắm nước nóng”. Việc bảo dưỡng, khử trùng đúng cách (ví dụ: dùng clo hoặc brom để sát trùng) tại hồ bơi và bồn tắm nước nóng có thể loại bỏ hoặc vô hiệu hóa virus gây ra COVID-19”. Điều này cho đến nay có vẻ như vẫn được chấp nhận, mặc dù các bằng chứng vẫn còn hạn chế. Có rất ít lý do để nghi ngờ rằng bạn có thể bị nhiễm virus COVID-19 khi bơi trong hồ được xử lý đúng cách.
Vào ngày 20/05/2020, CDC đã ban hành các hướng dẫn an toàn mới cho các hoạt động của hồ bơi và phòng tập gym. Các hướng dẫn này cũng được cập nhật bổ sung vào ngày 15/07/2020. Mọi thứ thay đổi nhanh chóng khi những hiểu biết của chúng ta về con virus này tăng lên. Mong rằng các hướng dẫn và khuyến nghị sẽ cập nhật liên tục mỗi khi chúng ta biết thêm điều gì đó mới về chủng virus này.
Trong thời gian đó, hãy kiểm tra hồ bơi nơi bạn sinh hoạt tìm hiểu xem quy trình xử lý và việc đảm bảo an toàn của hồ đó như thế nào. Nhưng hãy hiểu rằng nguồn nước không phải là nguy cơ lây nhiễm bệnh. Nguy cơ lây nhiễm là từ những người đến hồ đó bơi cùng với bạn.
Bơi ngoài trời
Giữa đỉnh điểm của mùa hè, nhiều người bơi đã lựa chọn bơi ngoài trời (open water) thay vì bơi trong hồ. Đây là một lựa chọn thay thế có vẻ hợp lý trong giai đoạn này, nhất là khi hồ bơi đang áp đặt nhiều quy định về thời gian bơi và dãn cách. Ánh sáng mặt trời giúp làm virus bất hoạt, đồng thời sự thoáng đãng của không khí giúp giảm cơ hội lây nhiễm từ người sang người. Tóm lại ở thời điểm này, bơi ngoài trời là một lựa chọn tuyệt vời, nhưng lưu ý là hãy chọn một nơi an toàn và đảm bảo dãn cách xã hội đầy đủ với những người bơi cùng.
Rửa tay thường xuyên
Mặc dù việc virus corona lây nhiễm khi tiếp xúc trên bề mặt không còn đáng ngại như suy nghĩ ban đầu, việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay khô vẫn được xem là cách thức quan trọng để hạn chế tình trạng lây lan virus. Không đưa tay chạm vào mặt và mắt khi chưa rửa tay. Hãy rửa tay tay cẩn thận bằng xà phòng với nước ấm hoặc dung dịch rửa tay khô có hàm lượng cồn (alcohol) tối thiểu 60% trong thời gian tối thiểu 20 giây.
Dãn cách xã hội
Càng tiếp xúc gần với người khác, nguy cơ lây nhiễm virus corona càng cao. Nhiều cơ quan y tế công cộng đang sử dụng thuật ngữ “dãn cách thể lý – physical distancing” để diễn tả chính xác về sự “tách biệt vật lý” giữa bạn và người khác. Luôn chú ý giữ khoảng cách với người khác tối thiểu 6 feet (khoảng hơn 1.8m), đặc biệt là trong các khu vực có không gian kín. Đây là cách đơn giản nhất để giảm thiểu nguy cơ lây truyền virus.
Đeo khẩu trang
Thời điểm hiện tại chúng ta biết rằng virus có thể lây truyền từ người qua các hạt nước bắn ra từ phổi. Do vậy việc đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần với người khác là cực kỳ quan trọng, nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân vào người khác khỏi lây nhiễm. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khẩu trang làm bằng vải đơn giản cũng đã làm giảm đáng nguy cơ lây nhiễm qua các giọt bắn từ phổi trong khi nói chuyện, cười, ho hoặc ca hát.
Lúc ban đầu, các cơ quan y tế công cộng khuyên người dân không cần phải mang khẩu trang trừ có triệu chứng nhằm đảo bảo đủ nguồn cung khẩu trang cho nhân viên y tế. Nhưng đến giờ thì rõ ràng rằng mọi người nên mang khẩu trang ở nơi công cộng.
Nhiều hồ bơi hiện đã yêu cầu tất cả khách quen phải đeo khẩu trang khi tới hồ, và có thể khách vẫn phải đeo khẩu trang bên trong khu vực hồ bơi cho tới khi xuống nước. Tuy vậy đừng đeo khẩu trang khi xuống nước vì khẩu trang ướt có thể khiến bạn khó thở và gây nguy hiểm.
Cách ly khi cần thiết
Hãy tự cách ly lây truyền virus cho người khác ngay khi có các triệu chứng của COVID-19 hoặc bạn được kết quả xét nghiệm dương tính với virus Corona. Ban đầu CDC yêu cầu người bệnh tự cách ly ít nhất 14 ngày để ngăn phát tán virus cho người khác và phải đợi ít nhất 72 tiếng sau khi hết số (mà không dùng bất kỳ thuốc hạ sốt nào) để hoàn tất việc cách ly.
Hiện tại những hiểu biết của chúng ta về virus đã rõ ràng hơn. CDC đã ban hành các khuyến nghị cập nhật vào ngày 20 tháng 7 quy định rằng bạn sẽ cách ly 10 ngày khi bắt đầu các triệu chứng và ít nhất 24 giờ sau khi hết sốt (mà không sử dụng thuốc hạ sốt). Nếu bạn nhận được kết quả xét nghiệm dương tính nhưng không có triệu chứng, bạn cũng được yêu cầu cách ly 10 ngày kể từ ngày xét nghiệm.
Các khuyến cáo bên trên được áp dụng cho các trường hợp nhẹ. Cách trường hợp nghiêm trọng hơn có thể sẽ phải được cách ly lên tới 20 ngày kể từ khi bắt đầu triệu chứng.
Trong mọi trường hợp, hãy trao đổi với bác sĩ để được hỗ trợ và tư vấn phù hợp, đồng thời báo lên cơ quan chức năng biết về tình trạng của bạn để kịp thời truy vết và cảnh báo cho những người có tiếp xúc với bạn.
Các triệu chứng và biến chứng
Ban đầu, COVID-19 được cho là một căn bệnh đường hô hấp nghiêm trọng với các triệu chứng chính bao gồm ho, sốt và khó thở. Nhưng khi ngày càng có nhiều người bị nhiễm bệnh, người bệnh có thể có nhiều phản ứng với vi rút hơn và xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng.
Hiện tại, các triệu chứng của COVID-19 thường xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi lây nhiễm bao gồm:
- Sốt hoặc cảm giác ớn lạnh
- Ho
- Hơi thở ngắn hoặc khó thở
- Mệt mỏi
- Đau nhức cơ hoặc toàn bộ cơ thể
- Đau đầu
- Mất vị giác hoặc khứu giác
- Nghẹt mũi, đau họng hoặc sổ mũi
- Buồn nôn, tiêu chảy hoặc nôn mửa
Nếu bạn xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào bên trên, hãy liên hệ với cơ quan y tế gần nhất để được hướng dẫn xử lý. Có thể bạn sẽ được yêu cầu xét nghiệm COVID-19. Xét nghiệm vẫn gặp nhiều khó khăn ở một số khu vực trên toàn quốc. Do vậy có thể bạn phải đợi vài ngày mới có kết quả. Trong thời gian chờ đợi, hãy tự cách ly và coi như bạn đang dương tính với COVID-19.
Nếu bạn hay người thân có bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào bên dưới đây, hãy liên hệ với cơ quan y tế ngay lập tức:
- Rất khó thở
- Đau dai dẳng hoặc cảm thấy có áp lực trong ngực
- Bị nhầm lẫn
- Không có khả năng thức dậy hoặc tỉnh táo
- Môi hoặc mặt hơi xanh
Mặc dù COVID-19 là bệnh đường hô hấp viêm phổi là nguyên nhân chính gây tử vong, nhưng nó cũng có thể gây ra phản ứng siêu viêm gọi là cytokine storm, có thể nguy hiểm đối với một số người.
Bên cạnh đó, người nhiễm COVID-19 có có thể dẫn đến hình thành các cục máu đông và các bệnh liên quan tới mạch máu có thể gây ra đột quỵ hoặc tắc phổi. Nghiên cứu mới đây cũng cho thấy nó có thể gây ra một loạt các phản ứng viêm nguy hiểm tiềm tàng khác ở một số người, với hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (còn gọi là MIS-C) là một biến chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm gây nhiễm trùng ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Một số bệnh nhân vẫn có các triệu chứng kéo dài hơn 14 hoặc 20 ngày. Những bệnh nhân này được gọi là “long-haulers”, và tác động dài hạn của virus lên cơ thể những người này vẫn đang được theo dõi sát sao. Một số bệnh nhân đã hồi phục cho biết họ không thể tiếp tục các hoạt động bình thường mà trước COVID-19 họ vẫn thường làm. Ngoài ra chúng ta cũng chưa biết liệu sau khi mắc bệnh và phục hồi, người ta có tạo ra được khả năng miễn dịch hay không, và nếu có thì miễn dịch trong bao lâu.
Số ca mắc bệnh vẫn đang leo thang ở nhiều khu vực
Một trong những khía cạnh khó khăn nhất của đại dịch này là tính chất địa phương của nó. Trong giai đoạn đầu của đại dịch, các thành phố đông dân cư ven biển bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong khi những khu vực này đang chiến đấu để làm phẳng cong đồ thị diễn tiến dịch, thì các khu vực có ít ca nhiễm hơn đòi hỏi được mở cửa bình thường trở lại.
Chao ôi, điều đó dẫn tới một đợt bùng phát mới ở nhiều vùng trên khắp cả nước. Giờ đây các bang thuộc vành đai mặt trời bao gồm Florida, Arizona và Texas trở thành những ổ dịch và có thể phải áp đặt lệnh đóng cửa hoặc hành động khác nhằm làm chậm sự gia tăng các ca lây nhiễm. Nó giống như một trò chơi chết chóc khổng lồ và có vẻ như trò chơi này sẽ tiếp diễn cho tới khi chúng ta có được vacxin.
HIện tại dù bạn sống ở khu vực nào, hãy luôn lưu ý theo dõi khuyến cáo của cơ quan y tế về những điều nên làm và cách phòng tránh. Hãy hiểu và tuân thủ các quy định an toàn được thiết lập tại hồ bơi trước khi đi bơi. Lời khuyên này đặc biệt có giá trị nếu bạn đang sống trong vùng dịch mà số ca mắc bệnh và tử vong đang diễn ra liên tục.
Vắc xin và điều trị
Các nhà khoa học và nghiên cứu đang đạt được những tiến bộ đáng kể trong quá trình tìm kiếm vacxin. Mặc dù có nhiều triển vọng và các thử nghiệm đã cho kết quả khả quan, chúng ta vẫn còn lâu để có được vacxin an toàn và hiệu quả chống lại COVID-19. Hầu hết các chuyên gia cho rằng các ứng cử viên vacxin COVID-19 sáng giá nhất sẽ xuất hiện vào cuối 2020 hoặc đầu năm 2021, nhưng khả năng sẽ mất thêm nhiều tháng hoặc thậm chí vài năm nữa để vacxin có thể được sản xuất hàng loạt và tiếp cận đến tất cả mọi người.
Trong thời gian đó, nhiệm vụ khẩn cấp trước mắt vẫn là phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả cho căn bệnh này. Vào tháng 5/2020, một loại thuốc kháng virus có tên Remdesivir được cho là có thể phần nào hỗ trợ phục hồi và giảm nguy cơ tử vong trong một số ca mắc COVID-19 nghiêm trọng. Kể từ đó xuất hiện một cuộc chạy đua để mua loại thuốc này. Tình trạng khan hiếm thuốc có thể khiến cho những người thực sự cần loại thuốc này gặp khó khăn để tiếp cận và điều trị.
Vào giữa tháng 7, một ứng cử viên mới hứa hẹn cho kết quả điều trị khả quan hơn. Thuốc hít kê đơn Interferon Beta dường như giảm tỷ lệ bệnh nhân trở nặng. Tuy nhiên phương pháp điều trị này cũng như các phương pháp khác vẫn cần được nghiên cứu lâu dài hơn nhằm xác định tính an toàn và hiệu quả của từng phương pháp.
Do vậy, nói chung với bất kỳ căn bệnh nào, cách tốt nhất vẫn là phòng bệnh ngay từ đầu. Sự ra đời của vacxin sẽ giúp chúng ta không mắc bệnh, và một phác đồ điều trị hiệu quả sẽ giúp giảm thiểu số ca tử vong hơn. Nhưng trước khi chúng ta có được hai thứ đó, hãy tự mình phòng bệnh bằng các biện pháp sau:
- Thực hiện dãn cách xã hội
- Mang khẩu trang
- Rửa tay thường xuyên
- Cẩn trọng tránh tiếp xúc với những người có thể mang virus
- Giữ gìn sức khỏe, ăn uống điều độ, nghỉ ngơi nhiều hơn, tập thể dục và kiểm soát chặt chẽ các bệnh có sẵn như tiểu đường và cao huyết áp – những bệnh lý nền có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng khi mắc phải COVID-19.
Đôi nét về tác giả
Elaine K. Howley là cây viết danh tiếng với nhiều giải thưởng và là biên tập viên chuyên về mảng thể thao, sức khỏe và lịch sử. Các bài viết của cô được đăng trên nhiều ấn phẩm và tạp chí trực tuyến, trong đó có thể kể đến như AARP.org, Atlas Obscura, espnW, và U.S. News & World Report. Là một vận động viên bơi lâu (đặc biệt là bơi marathon nước lạnh), cô đã đóng góp cho nhiều tạp chí bơi lội từ năm 2009 và tạp chí USMS.org từ 2012. Liên hệ với cô tại trang web elainekhowley.com